Rác thải từ nhựa – Vấn đề rác thải nhựa ô nhiễm hiện nay

28 Tháng Mười Hai, 2021

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hàng năm thế giới thải ra khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa, nhưng thực trạng xử lý vẫn còn yếu kém khiến cho khối lượng rác thải nhựa trong môi trường tăng nhanh, gây ra biết bao hậu quả nghiêm trọng. Vậy nguồn gốc rác thải nhựa từ đâu?, tác hại ra sao và giải pháp nào để hạn chế? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau!

 

1. Rác thải nhựa là gì?

Nhựa hay chất dẻo tổng hợp là sản phẩm không có sẵn trong tự nhiên mà do con người tạo ra. Chúng có thời gian phân hủy rất lâu, có thể kéo dài đến cả trăm, ngàn năm (chai nhựa mất tới 450 – 1000 năm mới phân hủy, ống hút nhựa và túi nilon thì phải mất tới 100 – 500 năm…).

Rác thải nhựa là những sản phẩm nhựa sau khi đã sử dụng và được thải ra môi trường như: Túi nhựa, chai nhựa, ống hút nhựa, các loại chất dẻo tổng hợp…

 

2. Nguồn gốc rác thải nhựa

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc mỗi năm cả thế giới có khoảng 300 triệu tấn rác thải nhựa (trong đó, Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn) đến từ nhiều nguồn khác nhau như:

–  Rác thải nhựa từ sinh hoạt: Là rác thải phát sinh từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày của con người như túi nilon, chai nhựa, hộp nhựa,… Đặc biệt, với đời sống ngày càng bận rộn như hiện nay thì nhu cầu sử dụng các sản phẩm thức ăn nhanh, đồ dùng 1 lần ngày càng cao, kéo theo đó là lượng rác thải nhựa cũng tăng lên theo cấp số nhân.

–  Rác thải nhựa từ hoạt động công nghiệp: Rác thải nhựa cũng xuất hiện từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp… trong cả quá trình sản xuất, thi công lẫn quá trình sinh hoạt của cán bộ nhân viên, công nhân viên.

–  Rác thải nhựa từ các khu du lịch, dịch vụ: Các điểm buôn bán, khu vui chơi giải trí, nhà hàng, khách sạn… cũng là nơi xuất phát của rất nhiều rác thải nhựa

–  Rác thải nhựa từ y tế: Do đặc thù của ngành y tế là sử dụng đồ dùng 1 lần để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, quy định nghiêm ngặt về an toàn nên lượng rác thải nhựa từ y tế là rất lớn. Các loại rác thải từ y tế gồm: túi nilon, bao gói vật tư thiết bị y tế, dụng cụ đóng gói thuốc, hóa chất hay kim tiêm, găng tay, chai, lọ, thuốc…

 

3.Tình trạng rác thải nhựa mỗi năm

Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp quốc, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi nhựa và khoảng 40% nhựa được sản xuất dùng để đóng gói. Từ năm 1969 đến nay, lượng nhựa tiêu dùng đã tăng gấp 20 lần và sẽ có tăng nhanh theo cấp số nhân trong tương lai.

Còn theo số liệu từ đại diện FAO, mỗi năm Việt Nam thải ra môi trường 1,8 triệu tấn nhựa, trong đó có khoảng 730.000 tấn bị thải ra biển. Bình quân hàng tháng mỗi hộ gia đình dùng và thải ra 1kg túi nilon. Đặc biệt, con số 80 tấn là khối lượng nhựa và nilon mà Hà Nội và TP. HCM thải ra môi trường trong một ngày.

Cũng theo phát biểu của Liên Hợp Quốc thì lượng rác thải mà mỗi năm thế giới thải ra môi trường này đủ để bao quanh trái đất 4 lần, số lượng này còn không ngừng tăng lên mỗi ngày.

Có thể nói, những con số nói trên sẽ khiến bất cứ ai cũng phải giật mình vì hiểm họa khủng hoảng rác thải trầm trọng.

 

4. Tác hại của rác thải nhựa

Hiểm họa rác thải nhựa hiện đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu, bởi chúng có tác động xấu đến sức khỏe và cả môi trường sống của chính chúng ta.

4.1. Tác hại đối với sức khỏe con người

Rác thải nhựa có thời gian phân huỷ dài, và trong quá trình phân huỷ lên đến cả 100 năm thậm chí 1000 năm đó, chúng sẽ bị phân rã thành các mảnh nhựa siêu nhỏ.

Những hạt vi nhựa (microplastic) này đi vào nguồn nước, đất, không khí, thức ăn… và khi con người tiếp xúc, ăn phải những mảnh vi nhựa này thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe. Đây cũng là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như mất cân bằng hoóc-môn, bệnh về hô hấp, bệnh về thần kinh…

4.2. Đối với sinh vật biển

Chuyên gia Hà Thanh Biên (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam) cho biết hiện trên biển có khoảng 393 triệu tấn nhựa đang phân tán khắp nơi và trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho sinh vật biển.

4.3. Đối với môi trường

Chất thải nhựa do khó phân huỷ nên khi xử lý bằng cách chôn lấp sẽ tồn tại cả trăm năm dưới đất. Lúc này sẽ các hạt vi nhựa bị phân rã sẽ làm ô nhiễm nguồn nước ngầm, hoặc gây ra thay đổi tính chất vật lý của đất, làm đất không giữ được nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây xanh.

Còn với những rác thải nhựa do bị vứt hoặc bị cuốn trôi theo nước mưa xuống cống, sông, hồ, sông… sẽ làm thu hẹp diện tích ao, hồ, sông ngày; gây cản trở các dòng chảy, tắc cống rãnh thoát nước, ảnh hưởng đến sinh hoạt của con người…

 

5. Biện pháp chống rác thải nhựa 

Hãy tưởng tượng cuộc sống sau này chúng ta sẽ ra sao nếu như thế giới tràn ngập rác thải nhựa và túi nilon? Vì thế, để tránh tình trạng này hãy chung tay xử lý rác thải nhựa, túi nilon ngay từ hôm nay, trước khi quá muộn.

–  Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng cũng như tác hại khi sử dụng túi ni lông, đồ nhựa.

–  Vận động người dân “nói không với túi nilon”, vất rác đúng nơi quy định và chủ động phân loại rác ngay tại nguồn.

–  Kết hợp với các nhà máy xử lý chất thải tăng cường các hoạt động thúc đẩy ý thức người dân như: đổi rác nhựa lấy đồ dùng như cây cảnh, đồ ăn, mũ bảo hiểm… để tiện thu gom, phân loại và tái chế rác thải nhựa.

–  Tăng thuế và cấp phép chặt chẽ với hệ thống kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất sản phẩm nhựa.

–  Nói không với việc nhập khẩu rác thải từ nước ngoài về tái sử dụng.

 

 

Copyright © 2021 Bao Bì 5S. All rights reserved. Developed Dream Maker Services